X
    Categories: HÀ NỘI

Top 5 ngôi chùa đẹp ở Hà Nội không ai không biết

Thủ đô Hà Nội tuy có diện tích không quá lớn nhưng lại có hàng nghìn năm lịch sử. Hà Nội trải qua bao năm tháng vẫn gìn giữ được những chùa mang dáng vẻ nguyên sơ và cổ kính, đầy linh thiêng. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn 5 ngôi chùa đẹp ở Hà Nội đã có hàng trăm năm tuổi mà đã là người dân Hà thành thì không ai là không biết.

Để xem nhanh bài viết về các chùa đẹp ở Hà Nội, mời bạn chọn các mục dưới đây:

1. Chùa Quán Sứ

Ngôi chùa ở Hà Nội đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu là chùa Quán Sứ. Trước đây chùa thuộc thôn Yên Tập, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, hiện nay là địa chỉ số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Chùa được xây dựng để thờ Phật và vị quốc sư triều Nhà Lý nổi tiếng Nguyễn Minh Không.

Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ 15, tới năm 1942 chùa được xây dựng lại và quy mô, kiến trúc vẫn được giữ nguyên từ đó tới ngày nay. Xét về quy mô thì Quán Sứ là chùa nổi tiếng ở Hà Nội có quy mô lớn, tam quan kiểu 3 tầng mái và ở chính giữa là lầu chuông.

Khi vào chùa, đi qua tam quan sẽ đến một sân rộng được lát bằng gạch. Ở giữa sân là một tòa chính điện có hình vuông, cao, được xây hành lang bao quanh. Phía sau và 2 bên của dãy nhà được sử dụng để làm thư viện, giảng đường, tăng phòng và nhà khách. Vào năm 1943, chùa được chọn là nơi đặt trụ sở của Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ và cho tới ngày nay vẫn vậy.

2. Chùa Láng

Chùa Láng hay còn được gọi là Chiêu Thiền Tự xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128 – 1138). Chùa được xây dựng để thờ một nhà tu hành đắc đạo, rất nổi tiếng ở thời Lý tên là Từ Đạo Hạnh. Mảnh đất được sử dụng để xây dựng ngôi chùa Hà Nội này chính là nhà cũ của cha mẹ Từ Đạo Hạnh là ông Từ Vinh và bà Nguyễn Thị Loan. Chùa thuộc địa phận của làng Yên Lãng, hay còn gọi là làng Láng. Cũng vì thế mà ngôi chùa này có tên gọi là chùa Láng.

Theo người xưa kể lại thì khi nhà sư Từ Đạo Hạnh tu hành đắc đạo đã hóa kiếp tại chùa Sài Sơn, tức là chùa Thầy ngày nay tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ông đầu thai trở thành con trai của em ruột vua Lý Nhân Tông, tức Sùng Hiền hầu Dương Hoán. Tuy nhiên, vừa Lý Nhân Tông lại không có con trai nên ông đã lập con của Sùng Hiền hầu Dương Hoán lên làm Thái tử. Về sau, Thái tử lên làm vua và lấy hiệu là Lý Thần Tông. Chính bởi vì sự tích này mà chùa Láng và chùa Thầy đều thờ Từ Đạo Hạnh cùng Lý Thần Tông.

Chùa Láng được biết đến là một trong những ngôi chùa đẹp ở Hà Nội là bởi dù đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động và sự bào mòn của cả thời gian lẫn lịch sử, sau nhiều lần trùng tu chùa vẫn giữ được nguyên vẻ đẹp vốn có. Chùa mang vẻ đẹp khá bề thế với quần thể kiến trúc vừa hài hòa lại cân xứng. Từ công trình chính cho đến công trình phụ đều có sự hòa hợp với thiên nhiên. Những hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi như bao lấy toàn bộ ngôi chùa đồng thời lại mang một vẻ đẹp tĩnh mịch và cổ kính. Cũng bởi thế mà chùa còn được gọi là đệ nhất tùng lâm chốn Kinh kỳ.

Cổng chùa Láng được xây cao vút, trên cổng được khắc câu đối và khảm sứ. Phía trên có 3 mái cong được gắn vào sườn cột thay vì trùm lên cột. Phần mái giữa được thiết kế cao hơn so với hai mái bên đã tạo nên một nét mềm mại và uyển chuyển. Đi qua cổng là một sân rộng được lát bằng gạch Bát Tràng. Ở giữa sân chùa Hà Nội này được đặt một sập đá làm nơi đặt kiệu tháng trước ngày khai hội. Ở phía sau cột đá là kiến trúc nhà gồm 3 gian, ở giữa có 2 hàng gạch chống 4 lớp mái song song.

3. Chùa Cầu Đông

Ngoài cái tên Cầu Đông thì chùa còn được gọi là Đông Hoa Môn tự. Chùa được xây dựng vào thời Lê, tức thế kỷ XVII, tới năm 1624 thì được tu sửa và mở rộng. Đây cũng là một ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời trong số các ngôi chùa ở Hà Nội. Tiếp đến các năm 1936, 1711, 1816 lại được trùng tu lại. Trước đây chùa nằm ở phía đông Hoàng thành Thăng Long còn hiện nay nằm tại địa chỉ số 38B, phố Hàng Đường, phường Hàng Đào.

Related Post

Chùa được xây dựng theo kiến trúc cổ với tam quan 3 gian lợp ngói và xây lầu cao làm gác chuông. Chính đình có hình chữ đinh, các mảng đều được chạm hổ phù, hoa lá, rồng vờn mây rất tinh tế và nghệ thuật, mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVI. Ở phía sau là 3 gian thờ tổ còn hai bên là hai dãy hành lang được nối liền từ Nhà tổ đến chùa. Phía bên tả có 3 gian thờ hậu.

Chùa Cầu Đông được xây dựng để thờ Tam thế, Di Đà, Thích Ca và quốc sư Trần Thủ Độ cùng vợ ông là bà Trần Thị Dung.

4. Chùa Ngũ Xá

Chùa Ngũ Xá cũng là một trong số các chùa đẹp ở Hà Nội. Ngoài tên Ngũ Xá thì chùa còn có tên gọi khác là Thần Quang Tự. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê, khoảng giữa thế kỷ XVIII. Hiện nay, chùa tọa lạc tại địa chỉ số 44, phố Ngũ Xá, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Vào năm 1952, chùa được cho xây dựng lại theo lối kiến trúc hiện đại hơn do hòa thượng Thích Mật Đắc đứng lên chủ trì.

Chùa được xây dựng để thờ Phật và Thiền sư Minh Không – ông tổ của nghề đúc đồng. Ở gian chính của chùa được đặt bức tượng Phật A Di Đà được đúc bằng đồng. Thời gian đúc kéo dài từ năm 1949 đến năm 1952. Bức tượng cao tới 3,95m, nặng 10 tấn, chu vi 11,60m và hay đầu gối cách nhau 3,60m. Ngoài ra, dưới chân tượng còn có một tòa sen với 96 cánh, cao 1,45m, nặng 3,9 tấn và chu vi là 15m. Một số đồ cúng tế khác cũng được đúc bằng đồng bao gồm lư hương nặng 300kg, cao 0,76m và hai cây đèn bằng đồng, mỗi cây nặng 300kg, cao 1,2m. Đặc biệt, vào năm 1995, ngôi chùa đẹp ở Hà Nội này còn được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

5. Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc không chỉ được biết đến là ngôi chùa cổ nhất tại Việt Nam mà còn là một trong số những ngôi chùa ở Hà Nội có kiến trúc đẹp nhất. Nếu các bạn muốn tới tham quan chùa có thể đi đến cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, gần Hồ Tây.

Chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khải Quốc, được xây dựng vào thời Tiền Lý. Cho đến nay chùa đã có hơn 1500 năm tuổi. Trấn Quốc được xây dựng theo hệ phái Bắc tông. Tổng thể là một quần thể với nhiều lớp nhà. Chùa gồm có 3 ngôi chính là tiền đường, nhà thiêu công và thượng điện được nối liền với nhau tạo thành hình chữ Công. Ở phía trên cửa chùa vẫn còn hiện lên bút tích 3 chữ Phương Tiện môn và hai câu đối được viết bằng chữ Nôm.

Phía trước mặt tiền chính có một khoảng sân rộng được lát bằng gạch đỏ cùng lư hương lớn. Vào năm 2003 chùa đã khánh thành thêm Bảo tháp Lục độ đài sen cao 15m với 11 tầng. Mỗi tầng gồm 6 bức tượng đức Phật A Di Đà được làm bằng đá quý trắng. Ở trên đỉnh còn có một tháp sen cũng được làm bằng đá. Không gian của chùa Trấn Quốc vừa bình yên, nên thơ và nhã nhặn với cây xanh cùng hồ nước nhưng cũng không kém phần cổ kính, uy nghi.

Chùa được trang Thrillist uy tín đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc cổ đẹp nhất, tựa như một bông hoa sen đang nở rộ khiến mọi người liên tưởng đến đài sen của Phật tổ vẫn thường ngồi tu hành.

Trên đây là top 5 ngôi chùa đẹp ở Hà Nội mà bất cứ người dân đất Hà thành nào cũng đều biết. Nếu có cơ hội các bạn có thể ghé thăm để tham quan cũng như dâng hương cầu may mắn, bình an.

 

Ngọc Sang: Sang là người đam mê du lịch trên những con xe moto classic , Sang mong muốn chia sẽ những chuyến hành trình của mình cho mọi người
Related Post